Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2017, XK gạo của Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng khi tận dụng được tình hình khan hiếm của thị trường để thu về kim ngạch XK 2,66 tỉ USD, tăng 23,2%.

 

Trong đó, điểm sáng là cơ cấu chất lượng gạo XK đã có sự chuyển dịch rất tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp thấp và trung bình; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp và các loại gạo chất lượng, giá trị cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo XK cao cấp tính đến gần cuối năm 2017 đã vươn lên chiếm khoảng 24,38% trong tổng lượng gạo XK, tăng tới 35,32% so với cùng kỳ năm 2016; gạo thơm các loại chiếm 28,91% (tăng 15%); gạo nếp chiếm 23,5% (tăng 36,7%). Trong khi đó, dòng gạo có phẩm cấp trung bình chỉ chiếm khoảng 8,8%, giảm tới gần 28% và gạo cấp thấp chỉ còn chiếm gần 4,2%, giảm 38,56% so với năm 2016.

 

Sự dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh các dòng gạo chất lượng, giá trị cao cũng kéo theo chuyển dịch trong cơ cấu SX lúa theo hướng chuyển đổi từ các giống lúa ưu tiên cho năng suất cao trước đây sang các giống lúa ưu tiên cho chất lượng cao, kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình SX mới gắn với chế biến sâu để tăng tối đa giá trị SX. Theo đó, diện tích lúa chất lượng cao cả nước năm 2017 đã nâng lên con số khoảng 1,8 triệu ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh có sản lượng lúa XK lớn ở ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ và một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội.

 

  

Cùng với sự chuyển dịch trong cơ cấu giống lúa theo hướng tăng mạnh dòng lúa chất lượng, nhiều giải pháp giảm giá thành trong SX cũng có chuyển biến mạnh mẽ. Tỉ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng, cấp xác nhận ở các tỉnh phía Bắc đã đạt khoảng 80%. Tại các tỉnh phía Nam, tỉ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đã đạt khoảng 65%. Theo mục tiêu của ngành trồng trọt và các địa phương đặt ra, phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng giống xác nhận tại các vùng chuyên canh lúa đạt 75%; giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 150-200 kg hiện nay xuống còn 90-100 kg/ha.  

 

Tăng mạnh cây ăn quả, cây công nghiệp

 

Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2017, diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các cây trồng hàng năm ước đạt khoảng 185,78 nghìn ha (diện tích gieo trồng) trong đó từ đất 3 vụ lúa là trên 60 nghìn ha, đất 2 vụ lúa khoảng hơn 71 nghìn ha và đất 1 vụ lúa là trên 36 nghìn ha. Đồng thời, đã có gần 9.000 ha đất lúa đã được chuyển sang trồng cây lâu năm. Vùng có diện tích chuyển đổi đất lúa tăng mạnh nhất là khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ với khoảng hơn 10 nghìn ha, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên xung quanh 10 nghìn ha; ĐBSH với trên 5,3 nghìn ha... Cùng với lúa, ngô cũng là cây lương thực tiếp tục đà “xuống dốc” về diện tích do giá trị SX và khả năng cạnh tranh ngày càng thấp (diện tích ngô cả nước đã giảm khoảng trên 52 nghìn ha trong năm 2017).

 

  

Ngược lại, diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp trên phạm vi cả nước ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, diện tích điều đạt hơn 132 nghìn, tăng 5 nghìn ha; hồ tiêu ước đạt 149 nghìn ha, tăng 24,5 nghìn ha; rau các loại năm 2017 ước đạt hơn 937 nghìn ha, tăng 29,5 nghìn ha; và cây ăn quả tăng cao nhất với tổng diện tích đạt khoảng 893 nghìn ha, tăng 50 nghìn ha so với năm 2016.

 

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Vụ ĐX 2017-2018, diễn biến thời tiết đã quay lại theo những quy luật bình thường. Đây là điều có thể kỳ vọng thắng lợi, và ngành trồng trọt phải bằng mọi giá để tăng trở lại cho được sản lượng lúa cả nước trong vụ ĐX 2018. Đối với việc chuyển đổi đất lúa, mặc dù là hướng chuyển dịch tất yếu và phát huy hiệu quả tốt, tuy nhiên trong năm 2018 và những năm tiếp theo, việc quản lí và chuyển đổi đất lúa vẫn phải hết sức thận trọng, chỉ ưu tiên chuyển đổi ở những nơi kém hiệu quả...

 

Đối với nhóm cây công nghiệp, thị trường cao su đang có giá trở lại, tuy nhiên do hậu quả của việc rớt giá kéo dài trước đây, nhiều diện tích cao su đã trải qua thời gian dài không được người dân chú trọng thâm canh chăm sóc. Vì vậy trong năm 2018, ngành trồng trọt phải có những giải pháp chỉ đạo và kỹ thuật cụ thể, quyết liệt để khởi động việc thâm canh trở lại cho diện tích cây cao su trên cả nước.

 

Đối với cây cà phê, giải pháp là phải tiếp tục nghiên cứu trồng xen để tăng thu nhập và phát triển bền vững cho các vườn cà phê. Đối với cây ăn quả, đẩy mạnh việc chế biến và công tác quản lí giống sẽ là nhiệm trọng tâm trong năm 2018.

 

Theo LÊ BỀN, nguồn Nongnghiep.vn

 

 


Bước chuyển quan trọng của ngành trồng trọt Bước chuyển quan trọng của ngành trồng trọt

Sự dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh các dòng gạo chất lượng, giá trị cao cũng kéo theo chuyển...

10/ 10 - 3347 phiếu bầu

quay lại      In      Số lần xem: 3225
Tin tức liên quan
  • 8 CHỮ G TRONG CHIẾN LƯỢC MỚI PHÁT TRIỂN ĐẤT
  • Phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
  • Thạc sỹ Nguyễn Văn Chương được tôn vinh là “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2020
  • TÔN VINH 68 NHÀ KHOA HỌC CỦA NHÀ NÔNG
  • MÔ HÌNH TRỒNG GIỐNG SẮN KM 140 SẠCH BỆNH - GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẮN BỀN VỮNG TẠI TÂY NINH
  • Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống đậu tương kháng bệnh rỉ sắt
  • Giải pháp phục hồi đất thoái hóa ở Tây Nguyên
  • Trồng ngô sinh khối thu nhập cao hơn ngô lấy hạt
  • Cây sắn xóa nghèo cho miền núi Quảng Trị
  • Đồng Tháp: Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng khoai hướng đến sự phát triển bền vững
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc
Địa Chỉ: Xã Hưng Thịnh, Huyện Trảng Bom, Đồng Nai
Ðiện Thoại: (0251) 3678839; 3868279; 3868146
Fax: (0251) 3868632
Email: trungtamhungloc.harc@gmail.com
 
Online Trực tuyến :  2
Online Hôm nay:  276
Online Hôm qua:  648
Online Tất cả:  5940778
Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng
Tiếp tục mua hàng
Xem giỏ hàng