Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), qua 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt (2014-2015), lĩnh vực trồng trọt đạt tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng trên 3%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt tăng từ 72,8 triệu đồng năm 2012 lên 79,3 triệu đồng năm 2014.
Bên cạnh đó, đã xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn được duy trì, mở rộng như: vùng cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả. Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt vẫn duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm. Hiện có 7 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm gồm: gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Trồng trọt, quá trình thực hiện tái cơ cấu vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng chưa ổn định; năng suất, chất lượng một số loại nông sản nước ta còn thấp, giá thành cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Trình độ chế biến còn thấp, về cơ bản vẫn bán nông sản ở dạng thô chưa qua sơ chế hoặc chế biến. Hiệu quả nhiều loại sản xuất cây trồng còn thấp nên thu nhập của nông dân chưa cao; nguồn tài nguyên nước còn sử dụng lãng phí, môi trường bị ô nhiễm do lạm dụng hóa chất,…
Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, theo Cục Trồng trọt, Quyết định đã góp phần thúc đẩy sản xuất an toàn tại các địa phương, diện tích sản xuất theo quy trình GAP ngày càng tăng. Nhiều địa phương đã quan tâm và chỉ đạo áp dụng VietGAP vào sản xuất, thể hiện ở việc ban hành kế hoạch thực hiện, tổ chức đào tạo, tập huấn,…Đối với sản xuất, đã hình thành các vùng sản xuất an toàn tập trung, có quy mô phục vụ xuất khẩu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến thiết thực nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp. Trong đó, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền để hiểu đúng bản chất của tái cơ cấu. Tiếp tục xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách để phát triển các sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu. Đẩy mạnh hướng dẫn và hỗ trợ nông dân sử dụng các giống có năng suất và giá trị thương phẩm cao, thực hiện đúng các gói kỹ thuật tiên tiến trong nuôi trồng đối với từng loại cây, phổ biến áp dụng GAP.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến theo quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng VietGAP trong sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận VietGAP và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng./.
Theo Bùi Thủy - ĐCSVN
Ngày 22/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị...
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |